Sơ lược về dòng Arabica
Cà phê Arabica có tên khoa học là Coffea Arabica. Ở Việt Nam dòng cafe có tên gọi khác là cà phê Chè. Arabica có hương vị phong phú, chua thanh, vị trái cây, hậu vị ngọt và thể chất cân bằng. Thành phần caffeine trong hạt cà phê này chỉ chiếm từ 1 – 2 %, thấp hơn nhiều so với Robusta.
Nguồn gốc lịch sử Arabica
Cái tên Arabica có nguồn gốc xa xôi từ bán đảo Arabica Peninsula tại Ả Rập. Nhiều câu chuyện kể lại rằng, loại cafe này xuất hiện lần đầu tiên tại Ethiopia của Châu Phi. Sau khi du nhập vào bán đảo Arabica của Ả Rập đã được xem là một thức uống bí truyền. Vì thế, bán đảo này đã dần được biết đến là nơi độc quyền về cafe Arabica. Có thể, cũng vì thực tế này mà tên gọi của hạt cà phê này được lấy theo tên của bán đảo Ả Rập.
Cây cà phê Arabica được trồng đầu tiên bởi những người Ả Rập từ thế kỷ 14. Tuy vậy, đến thế kỷ thứ 17 – thế kỷ 18, giống cà phê này đã được phổ biến nhiều nơi. Cho đến nay, Arabica chiếm đến 70% sản lượng cafe trên toàn thế giới.
Đặc điểm sinh học cây cà phê Arabica
Arabica sinh trưởng tốt tại độ cao 900 – 2000m so với mực nước biển, lượng mưa 1,500-2,500mm/năm, nhiệt độ thích hợp từ 15- 25 độ C. Arabica có tán cây nhỏ, lá có hình dạng oval và màu xanh đậm, quả cà phê có hình bầu dục. Khi trưởng thành, cây có thể đạt độ cao từ 2,5m – 4,5m. Thậm chí, có nhiều cây mọc trong điều kiện hoang dã có thể đạt tới chiều cao 10m.
Cà phê Arabica có giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng và chăm sóc, năng suất thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Thời gian thu hoạch thường là từ 3 – 4 năm sau khi trồng. Arabica có tuổi thọ khoảng 25 năm tuổi. Ở điều kiện tự nhiên, cây cà phê này có thể đạt tới tuổi thọ 70 năm.
Các dòng cafe Arabica phổ biến
Cafe Arabica rất đa dạng chủng loại. Có khoảng 125 giống cà phê thuộc chi Arabica. Các dòng phổ biến và được nhiều người biến đến như: Typica, Bourbon, Heirloom, Catimor hay Catuai. Mỗi dòng Arabica sẽ có những đặc điểm hương vị khi thưởng thức. Ngoài ra, mỗi loại cũng sẽ có yêu cầu canh tác khác nhau nên sản lượng cũng như vùng miền phân bố cũng không giống nhau.
Typica
Typica được xem là giống cà phê đầu tiên được khám phá và trồng tại Ethiopia. Tại Việt Nam, dòng cà phê này được người Pháp trồng tại Cầu Đất, Đà Lạt vào những năm 1857.
Typica có vị chua nhẹ, trong trẻo, thể chất dày và hậu vị ngọt sâu. Tuy có giá tri cao nhưng đây là giống cà phê có năng suất trồng không cao, khả năng chống chịu sâu bệnh kém.
Bourbon
Nếu nói đến các chi cafe Arabica thì Bourbon được xem là một trong những dòng cafe đột biến tư nhiên được phát hiện đầu tiên tại đảo Bourbon. Bourbon thích hợp ở độ cao 1000 – 1600 mét so với mực nước biển.
Bourbon có vị ngọt đặc trưng, hương trái cây, hậu vị thanh ngọt, thể chất nhẹ nhàng, cân bằng. Mặc dù sở hữu hương vị không ai sánh bằng nhưng hiện nay, tại thị trường Việt, cafe Bourbon không phổ biến. Do đặc tính khó trồng, sức đề kháng không cao nên người trồng cafe Việt đã dần thay thế chúng bằng giống cafe khác cho năng suất tốt hơn.
Heirloom
Heirloom là dòng cà phê bản địa của Ethiopia. Đây là giống cà phê mọc hoang dại và tự nhiên trong vùng rừng núi. Dòng cà phê Heirloom có sản lượng thấp nhưng được đánh giá cao về chất lượng. Chúng sở hữu bộ gen tự nhiên quý giá, giúp gia tăng hương vị phong phú và có khả năng chống chịu sâu bênh cao.
Catimor
Thực ra, Catimor là một giống cafe lai tạo của Arabica. Nó có đặc điểm với hạt hơi dài. Lý do khiến Catimor là một trong những dòng cafe Arabica phổ biến chính là bởi đặc tính rất dễ trồng. Hơn thế nữa, năng suất thu hoạch cũng rất cao. Đặc biệt, giống cafe hạt này còn có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các tín đồ sành về cafe thì hương vị mà Catimor mang lại trong từng ly cafe vẫn chưa có được đẳng cấp như loại Cà phê Arabica khác. Hương vị của dòng cafe Catimor vẫn chưa thể thỏa mãn được những đòi hỏi đẳng cấp của người đam mê thức uống này.
Catuai
Xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1972 tại Brazin; chủng cafe Catuai được biết đến là kết quả lai tạo giữa cây Caturra vàng (cafe Arabica thuần chủng) và cây Mundo Novo (cafe lai từ Bourbon và Typica). Tại Việt Nam, giống cafe này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1980 khi du nhập từ Cu Ba.
Đặc điểm nổi bật của Catuai chính là có dáng cây nhỏ. Quả của cây bám rất chắc trên cành, không dễ bị rụng. Bên cạnh đó, nhân của giống cà phê này có dạng tròn tương đồng với cafe Catimor. Tuy nhiên, lượng nhân có hạt dài cũng xuất hiện nhiều do sự không đồng nhất về giống.
Mặt khác, đây là chủng cafe thích hợp để trồng ở vùng núi có độ cao từ 1000 – 1200m cách mặt nước biển, Bên cạnh đó, cà phê Catuai có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Nhưng ngược lại, khả năng thích nghi với môi trường sương muối của chúng lại rất kém. Yêu cầu công sức chăm sóc cũng rất cao. Chính vì vậy, ngay cả khi năng suất cà phê cao thì xét một cách tổng thể, việc trồng chủng cà phê này cũng không mang về nhiều lợi nhuận.
Vùng trồng Arabica trên thế giới
Nhắc đến Arabica là nhắc đến giống cafe có sức tiêu thụ rất lớn trên thế giới. Với đặc điểm ưa thích sống ở khu vực có đất đai màu mỡ, nhiệt độ khoảng 20 độ C và lượng mưa trong năm đạt mức tiêu chuẩn. Hiện nay, cà phê Arabica đang được không ít quốc gia trên toàn cầu chọn trồng và trở thành một trong những nơi đứng đầu về xuất khẩu cà phê. Có thể kể đến như:
Brazil
Với thâm niên hơn 150 năm, Brazil được xem là đồn điền cà phê trên thế giới. Với diện tích trồng cafe đạt mức 100.000 ha. Mỗi năm, quốc gia này đạt sản lượng với hơn 2,5 triệu tấn cafe Arabica.
Colombia
Ngay cả khi các nhân tố về nhiệt độ cũng như lượng mưa tại Colombia không đạt tiêu chuẩn thì quốc gia này vẫn có được sản lượng khoảng 810.000 tấn/năm. Đây là một trong những nguồn cung cafe nói chung và cà phê Arabica nói riêng lớn thứ 3 trên thế giới.
Ethiopia
Đây là nơi đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của giống cà phê Arabica. Với hơn 1000 năm qua, người dân ở đây đã xem việc trồng cafe là công việc chính. Mỗi năm, sản lượng cafe thu hoạch được ở đây đạt khoảng 384.000 tấn. Đồng thời, cafe cũng chiếm đến 28% lượng hàng xuất khẩu mỗi năm ở khu vực này.
Ấn Độ
Ấn Độ ghi nhận đạt sản lượng cà phê khoảng 348.000 tấn/năm. Trong số đó, 80% lượng cà phê trồng được đều xuất khẩu sang Châu Âu hay Nga. Khu vực trồng cafe phổ biến nhất ở quốc gia này là phía Nam Ấn Độ.
Mexico
Mexico được biết đến là quốc gia có khả năng sản xuất ra giống Arabica chất lượng cao. Sản lượng mỗi năm đạt khoảng 234.000 tấn. Tuy nhiên, đa số cafe trồng được đều xuất khẩu sang Mỹ.
Vùng trồng Arabica ở Việt Nam
Đà Lạt
Được đánh giá là “thiên đường” của cà phê Arabica; Cầu Đất, Đà Lạt sở hữu cao nguyên trung phần với diện tích đất đỏ bazan rộng lớn. Bên cạnh đó, ở Đà Lạt có vị trí cao 1500m so với mặt nước biển. Thời tiết mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ cao nhất trong năm cũng không quá 33 độ C.
Sơn La
Đây là khu vực có hơn 100 năm lịch sử trồng cafe Arabica. Sơn La có nhiều lợi thế về thời tiết như: lượng mưa trong năm lớn, nhiệt độ không quá cao, đất đối núi… Chính ưu thế này đã giúp nhiều vùng ở đây có sản lượng cà phê trồng hằng năm rất lớn như: Chiềng Ban, Sinh Ban…
Nghệ An
Nằm ở khu vực Trung Bộ, Nghệ An mặc dù không có kiểu thời tiết mát mẻ nhưng vẫn là khu vực có sản lượng cafe Arabica lớn trong cả nước. Nổi bật nhất là ở khu vực Phù Quỳ. Giống cafe Arabica được trồng nhiều nhất ở đây là Catimor. Dù không có vị ngọt hậu đặc biệt như Bourbon nhưng giống cafe này lại sở hữu hương vị mặn chát độc đáo cùng hương thơm sâu lắng.
Đặc điểm hương vị cà phê Arabica
Nếu bạn là một tín đồ của Arabica thì không thể không biết hương vị đặc trưng của giống cafe này. Theo đánh giá của các chuyên gia, cà phê Arabica có vị chua thanh được hòa cùng chút đắng nhẹ. Mùi hương thoang thoảng, thanh tao. Khi pha, nước cafe sẽ có màu nâu nhạt và hơi nghiêng về hổ phách. Thực tế cho thấy, hương vị của cà phê Arabica sẽ có sự ảnh hưởng của các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu.
Thưởng thức cà phê Arabica
Do đặc điểm hương vị của mình, hạt cà phê nguyên chất Arabica có thể được sử dụng để pha chế theo các phương pháp: Pour over, Moka, Syphon.. Các phương pháp pha này nhằm mục đích thưởng thức trọn vẹn hương vị cà phê Arabica nguyên chất mà không cần dùng (hoặc rất ít) sữa hoặc đường.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phối trộn cà phê Arabica với Robusta để tăng hương thơm, giảm vị đắng khi pha cà phê phin, Capuchino, Espresso…